Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, ung thư vú là loại ung thư phổ biến ở phụ nữ. Người có mẹ, chị gái hoặc con gái mắc bệnh ung thư vú khi còn trẻ (tiền mãn kinh) có nguy cơ u vú ác tính cao gấp đôi người không có tiền sử gia đình mắc bệnh này.
Mức độ nguy cơ ở phụ nữ phụ thuộc vào từng người trong gia đình bị ung thư vú.
Phụ nữ có người thân cấp hai (ông, bà, cô, chú, cháu gái, cháu trai) được chẩn đoán mắc ung thư vú sau 50 tuổi có nguy cơ trung bình. Nếu có một hoặc hai người thân cấp một (cha, mẹ, anh chị em, con) hoặc hai người thân cấp hai được chẩn đoán mắc bệnh sau 50 tuổi, bạn có rủi ro mắc u vú ác tính mức độ vừa phải.
Người có một hoặc nhiều người thân cấp một hoặc cấp hai được chẩn đoán mắc bệnh này ở độ tuổi 45 hoặc trẻ hơn có nguy cơ cao ung thư vú.
Phụ nữ có một hoặc nhiều người thân thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai mắc bệnh ung thư vú bộ ba âm tính ở tuổi 60 trở xuống có rủi ro cao.
Nếu có một hoặc nhiều người thân thế hệ thứ nhất hoặc thế hệ thứ hai được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở cả hai ngực, bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao.
Phụ nữ có một hoặc nhiều người thân cấp một hoặc cấp hai được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú nam giới có nguy cơ cao mắc u vú ác tính.
Có người thân trẻ tuổi (tiền mãn kinh hoặc dưới 50 tuổi) mắc ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt, làm tăng nguy cơ mắc u vú ác tính của bạn nhiều hơn so với người có người thân lớn tuổi mắc các bệnh này.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, xét nghiệm di truyền có thể giúp phát hiện gene ung thư vú ở người có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Với các kỹ thuật xét nghiệm di truyền mới, các gene ung thư vú có thể được xác định trước khi bệnh phát triển. Có hơn 70 đột biến gene liên quan đến bệnh ung thư vú, phổ biến nhất đột biến BRCA1 và BRCA2.
Phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao nên chụp X-quang tuyến vú định kỳ để sàng lọc ung thư vú.